Kính chào Ông/Bà.
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra và trả lời như sau:
1. Có được đặt trong khu dân cư hay không?
Trạm BTS được đặt trong khu dân cư để phục vụ các dịch vụ như: điện thoại di động, dịch vụ truyền dữ liệu 3G, 4G, đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, cơ quan, chính quyền …
2. Có giấy phép không?
Trạm BTS mà Ông/Bà nói trên là trạm BTS loại A1a, được miễn cấp phép xây dựng theo khoản 11 Điều 4 tại Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Có đảm bảo sóng điện từ không gây ảnh hưởng sức khỏe con người hay không?
Ngày 20/01/2017 Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 212/BTTTT-KHCN về việc phổ biến thông tin liên quan đến việc quản lý phát triển các trạm BTS ở Việt Nam. Trong đó. Bộ Thông tin và Truyền thông có trích dẫn quy định tất cả các trạm thu phát sóng thông tin di động (mà trong bán kính 100m tính từ anten bất kỳ của các trạm BTS lắp đặt tại vị trí đó có công trình xây dựng trong đó có người sinh sống và làm việc) phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2010/BTTTT theo Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ngày 13/4/2020 về việc ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định thì mới được phép đưa trạm BTS vào hoạt động. Đồng thời có kết luận: “Với các cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chuẩn quốc tế/ tiêu chuẩn Việt Nam và biện pháp quản lý chuyên ngành như trên, có thể khẳng định rằng các trạm thu phát thông tin di động (BTS) đảm bảo an toàn bức xạ điện từ trường theo quy định”.
Video trả lời của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông ông Lê Doãn Hợp (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) liên quan đến sóng điện từ trường của trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, Khóa XII tại đường dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=U1b9Jjo0xPY
4. Có cơ quan nào kiểm định chất lượng hàng năm hay không?
Chủ đầu tư xem xét đánh giá chất lượng công trình theo định kỳ và được cơ quan quản lý nhà nước có kế hoạch kiểm tra hàng năm, cột trên địa bàn thành phố Huế do UBND thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra, đánh giá trước mùa mưa bão. (Đính kèm triển khai kế hoạch bảo dưỡng của đơn vị viễn thông)
5. Để đảm bảo phòng chống mưa bão hàng năm thì đơn vị chủ quản làm gì?
Các đơn vị viễn thông xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai (đính kèm văn bản).
6. Số điện thoại, địa chỉ, người phụ trách của đơn vị sử dụng 2 trạm này để người dân liên lạc khi cần ?
- VNPT: Phòng kỹ thuật đầu tư, số điện thoại: 0234.3834567, địa chỉ: 08 Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế
- Viettel: số điện thoại liên hệ : 0973621212 (Anh Trí), địa chỉ: 11 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế.
7. Nếu 2 trạm gần nhau như thế này thì cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu họ dùng chung hạ tầng để phát sóng hay không ?
Hai trạm mà Ông/Bà có ý kiến là trạm loại A1a, 1 trạm của nhà mạng VNPT và 1 trạm của nhà mạng Viettel, trạm loại A1a này được khuyến khích lắp đặt tại mọi vị trí (nhằm giảm thiểu độ cao cột anten trong khu dân cư, đô thị) tại Quyết định 3360/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về việc Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Vì là cột anten loại A1a nên không đủ vị trí để lắp đặt các thiết bị 3G, 4G, 5G của 2 nhà mạng trên 1 cột nên đối với loại cột này thực tế không thể sử dụng chung hạ tầng được, chỉ khuyến khích các đơn vị viễn thông sử dụng chung hạ tầng đối với các cột anten trên mái nhà có chiều cao trên 9m và các cột anten được xây dựng từ mặt đất (25m, 30m, 39m, 42m…)
Sở Thông tin và Truyền thông chân thành cảm ơn phản ánh của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.