UBND huyện Phú Lộc; Công an Thành phố Huế; Cục Quản lý thị trường; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Kính chào Ông/Bà.
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Công an Thành phố Huế, UBND huyện Phú Lộc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Chi Cục Quản lý Thị trường kiểm tra và trả lời như sau:
1. Công an Thành phố Huế:
Công an thành phố đã bố trí lực lượng xác minh cụ thể như sau: Tại khu vực bến xe Nguyễn Hoàng hiện có 13 cơ sở kinh doanh mặc hàng lưu niệm trong đó có 08 cơ sở đã đăng ký giấy phép kinh doanh và 05 cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, ở các cơ sở kinh doanh đa số đều không niêm yết giá theo đúng quy định, đối với hành vi này vi phạm vào điểm a, khoản 1, điều 12 nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá thị trường, phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ, thẩm quyền xử phạt thuộc cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính và cơ quan thuế nên trong thời gian tới Công an thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý tình trạng trên. Đối với phản ánh du khách bị chặt chém, Công an thành phố chưa phát hiện cơ sở nào có dấu hiệu chặt chém du khách như phản ánh.
2. UBND huyện Phú Lộc:
Sau khi nhận được phản ánh của du khách qua đường đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Lăng Cô khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, kịp thời xử lý (nếu có). Ngày 13/5/2019, UBND thị trấn Lăng Cô đã có Báo cáo số 48/BC-UBND về kết quả xác minh phản ánh của du khách việc thu tiền tại suối thác đổ Hói Dừa, cụ thể như sau:
- Việc du khách phản ánh bị một số người dân thu phí tiền đường vào khu vực suối Hói Dừa thuộc thôn Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô là đúng sự thật.
- Qua xác minh, tìm hiểu, được biết: Suối Hói Dừa nằm ở phía Tây, thuộc địa bàn TDP Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô. Nhận thấy đây là điểm sinh thái mới được thiên nhiên ban tặng; năm 2016, người dân TDP Hói Dừa đã mở đường mòn lên điểm suối và tạo điều kiện để kinh doanh dịch vụ ăn uống, tắm suối. Bước đầu gặp khó khăn trong việc mở đường vào suối, cũng như việc đầu tư sửa chữa đường hằng năm, các hộ có rừng đã bỏ ra đất đai, cây trồng để làm đường; nên các hộ dân nơi đây đã có phân công một vài người trong TDP đứng ra thu một khoảng phí (khoảng 30 đến 50 nghìn đồng/mỗi xe) đối với các phương tiện xe ô tô khi vào tham quan, tắm suối, với mục đích để sửa chữa, cứng hóa đường vào suối hàng năm. Tuy nhiên, việc tổ chức thu phí trên không có biên lai thu, người đứng ra thu phí không nói rõ mục đích thu, làm cho du khách có phản ánh sự việc nói trên.
Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn cấp huyện và UBND thị trấn Lăng Cô khẩn trương làm việc với các hộ dân yêu cầu chấm dứt tình trạng tự ý thu phí nói trên. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con lập các thủ tục liên quan đến việc kinh doanh, dịch vụ trông, giữ xe trình cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế:
Nội dung trong phản ánh không thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
4. Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế:
Căn cứ phản ánh của quý Ông/Bà, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 xử lý theo thông tin phản ánh:
Đội Quản lý thị trường số 2 đã cử Tổ công tác quản lý địa bàn đến làm việc tại các hộ kinh doanh tại khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng. Hiện khu vực này có 13 cơ sở kinh doanh mặt hàng lưu niệm.
Đội đã thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn cho 13 hộ kinh doanh nói trên về việc niêm yết giá theo quy định, đồng thời ký cam kết chấp hành đúng theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại.
Sau cam kết, Đội Quản lý thị trường số 2 sẽ tiếp tục theo dõi, hậu kiểm các hộ kinh doanh trên trong việc chấp hành thực hiện niêm yết giá và các quy định khác liên quan.
Chân thành cảm ơn phản ánh của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.