Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ông/Bà hỏi, Sở Xây dựng xin trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo các chức danh quy định.
Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Do đó, đối với lĩnh vực về xây dựng thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Điều 72 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, trong đó có lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng.
Cụ thể: Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 72 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định:
“ 1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80 Nghị định này.
2. Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này.
3. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
4. Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất dộng sản, quản lý, phát triển nhà”.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có quy định: “Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thấm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thâm quyền”.
Tuy nhiên, việc lập biên bản vi phạm hành chính phụ thuộc vào thẩm quyền và địa bàn quản lý của mình. Do đó, căn cứ Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 03/11/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định quản lý trật tự xây dựng và phân cấp quản lý trật tự xây dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan được phân cấp trách nhiệm quản lý, xử lý trật tự xây dựng tại Điều 5, Điều 6 của Quyết định 52/2022/QĐ-UBND như sau:
Sở Xây dựng: Chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình nằm trên ranh giới địa bàn của 02 huyện, thị xã, thành phố.
UBND cấp huyện: Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp đối với tất cả các công trình xây dựng nằm trên địa bàn quản lý trừ các công trình thuộc dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các công trình do UBND cấp xã được phân cấp quản lý.
UBND cấp xã: Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ và các công trình khác được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngàv 28/1/2022 của Chính phủ.
Như vậy, công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra hoặc khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính thì có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và phải thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình.
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng./.