Kính chào Ông/Bà.
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra và trả lời như sau:
Từ ngày 7/10/2020 đến 14/10/2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục có mưa to đến rất to, bão số 5, bão số 6 và áp thấp nhiệt đới kéo dài liên tục, lượng mưa tích lũy ở các trạm đều trên 1000mm. Đỉnh lũ trên sông Bồ vượt mức lũ lịch sử 1999, sông Ô Lâu đạt đỉnh lũ rất cao trên báo động III. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng nề. Sau đợt mưa, lũ chồng lũ, bão chồng bão liên tục, nhiều vị trí trên hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế ngập lụt sâu, hư hại nặng nề, giao thông bị chia cắt, như các tuyến đường phía bắc; phía đông nam như Phú Vang, Hương Thủy và một số xã ven biển Phú Lộc. Lũ trên sông Bồ gây sạt trượt nghiêm trọng các cầu ở A Lưới, đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng, đường tỉnh 21 ở xã Phú Hải,…. Lũ trên sông đẩy về phá Tam Giang đã gây ngập, nước lũ cuốn mặt đường ở đoạn Km41-Km43 QL49B đoạn phía Nam cầu Tam Giang (là hạ lưu phá Tam Giang). Đoạn đường bị lũ phá hoại trên QL49B từ Km41-Km43 có cao độ trên 10m, lần đầu tiên có lũ vượt qua. Kết cấu mặt đường đoạn bị phá hoại là Bê tông nhựa dày 5cm trên lớp cấp phối đá dăm bù vênh; hai bên lề bịt vữa và bê tông xi măng. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, chênh cao mực nước, cường độ nước chảy mạnh quá mức chịu đựng của kết cấu mặt đường, kết quả là mặt đường bị bong bật, xói lở một đoạn khoảng 500m, tổng hợp trên toàn tuyến hư hỏng mặt đường khoảng 1,5km.
Về khắc phục, ngay sau khi nước rút, ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo thông đường, san gạt thông đường, dọn rều rác, bèo lục bình, cào bóc lớp mặt để tạm thời lưu thông, lắp dựng lại các đảo giao thông, biển báo bị hư hại. Sau đó, đã vá tạm các ổ gà bằng cấp phối đá dăm gia cố xi măng. Đồng thời Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để bố trí kinh phí sửa chữa.
Nội dung này đã được Sở Giao thông Vận tải thông tin rộng rãi đến công luận trên trang web của Sở Giao thông Vận tải, trên facebook của Sở, báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải:
https://www.facebook.com/gtvt.hue/posts/114757843735668?__cft__[0]=AZXVJpxRM_at3ID-zPUybUahwNmOSb0CcwAmcToS0Rp_VaBV_PNt7ZbL0kg9BiDtSVwSOD42T3oSMtVjV0ifrf0wxSqVzPBqgcFXh_gvQgnCUwSsBdvl58MeNlUZvFwwXHtYy5NIACrDtevngTX4riAvZzzOC0afyg8rVW1hl1D1kQ&__tn__=%2CO%2CP-R
Trên các mục thông tin tương tác với công dân, hệ thống Hue-S:
https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/phan-anh/duong-ve-cau-tam-giang-sau-lut-lam-an-gi-ky-cuc-vay-a28929.html https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/phan-anh/kien-nghi-trai-tham-nhua-tai-diem-gan-cau-tam-giang-a35629.html
Quá trình báo cáo rất kịp thời đầy đủ với hơn 30 lượt văn bản, số liệu báo cáo. Tuy nhiên, khi thiên tai xảy ra trên địa bàn cả nước, nguồn vốn đầu tư công bị cắt giảm thì quá trình xem xét, thẩm tra, phê duyệt của các cấp kéo dài. Quá trình thẩm định, cấp kinh phí của nguồn vốn trung ương qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn thẩm định.
Đối với kinh phí sửa chữa, Sở Giao thông Vận tải đề xuất nâng cấp thêm một số đoạn ngập lụt để kiên cố, vượt lũ trên tuyến là 15 tỷ đồng; tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải bị cắt giảm nhiều nên đến nay, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ chỉ bố trí được 9,1 tỷ đồng để sửa đoạn Km41+140-Km41+520, Km47+100-Km48+050 và một số vị trí bong tróc nhỏ trên tuyến.
Dự kiến ban đầu, kế hoạch sửa lại mặt đường vào tháng 5/2021; tuy nhiên quá trình thẩm tra, cho phép đầu tư kéo dài. Cho đến nay đã có Quyết định phân bổ vốn đột xuất năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải để sửa chữa đoạn tuyến này. Văn bản phê duyệt của Tổng cục Đường bộ Việt Nam TCĐBVN ký ngày 10/6/2021 (2725/QĐ-TCĐBVN).
Sau khi được phê duyệt dự án, quá trình lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị xây lắp, dự kiến đến tháng 7/2021 mới triển khai thi công sửa chữa được. Trong quá trình đó, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường vẫn thường xuyên sửa chữa, đảm bảo giao thông trên tuyến.
Sở Giao thông Vận tải chân thành cảm ơn phản ánh của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.