Kính gửi: Qúy Báo.
Vấn đề quý Báo hỏi, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xin thông tin như sau:
1. Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình bệnh bạch hầu tại một số tỉnh, thành trên cả nước, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ban hành công văn số 889/KSBT-TTGDSK ngày 09/7/2024 về việc đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã ban hành Công văn số 2242/SYT-NVY ngày 15/7/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024, đặc biệt là sốt xuất huyết và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, trong đó có dịch bệnh Bạch hầu. Sở Y tế đề nghị các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào 03 giải pháp trọng tâm sau:
- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, tiến hành điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng và kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về bệnh bệnh hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện. Đồng thời truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác tập huấn về chẩn đoán và điều trị bạch hầu cho cán bộ y tế và chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần phục vụ phòng, chống và điều trị bệnh nhân.
2. Theo báo cáo nhanh từ phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ khác, số lượng người dân đi tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu trong 01 tuần gần đây có tăng cao so với giai đoạn trước nên việc cung ứng vắc xin đôi lúc gặp khó khăn, tuy nhiên hiện nay số lượng vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân và đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo quy định.
3. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế, vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu được tiêm chủng với 03 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 01 tuổi, 01 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi và bổ sung thêm 01 liều nhắc lại vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều cho trẻ đủ 07 tuổi. Ngoài ra, việc tiêm các liều nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người có nhu cầu còn được triển khai tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ theo khuyến cáo cụ thể của các nhà sản xuất vắc xin.
Có thể thấy công tác tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai thường xuyên và cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin trong suốt những năm vừa qua. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các nguồn thông tin không chính thống; việc tiêm chủng các mũi nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu là cần thiết tuy nhiên không nên tự ý đổ xô đi tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu.
4. Sở Y tế xin cung cấp một số thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu như sau:
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin, tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT, Td…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân ở trong vùng có dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh và tự cách, theo dõi sức khoẻ theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
5. Mặc dù trong hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, tuy nhiên Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế, đơn vị có liên quan và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần tuân thủ tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Chân thành cảm ơn.
Trân trọng.